Từ hóa đơn tiền điện tháng 6, nói về giá điện

 Qua những đợt nắng nóng kéo dài trong tháng 5 và 6 vừa qua đã khiến cho hóa đơn tiền điện của các hộ có sản lượng điện tiêu thụ cao, tăng cao đột biến, đã xuất hiện nhiều ý kiến về biểu giá điện hiện hành. Tại sao đối với sản phẩm điện hiện nay, càng mua nhiều lại phải trả giá cao hơn? Đây là câu hỏi mà đa số khách hàng sử dụng điện sinh hoạt đang đặt ra.

Trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Phản ánh cung-cầu và đáp ứng các mục tiêu
 
Như chúng ta đã biết, trong cơ chế thị trường, mọi cá nhân, đơn vị đều được quyền tự do quyết định về các mối tương tác mua bán của mình với các cá nhân, đơn vị khác. Thị trường chính là một phương tiện mà thông qua đó các cá nhân, đơn vị giao dịch với nhau. Trong giao dịch, người mua và người bán bao giờ cũng đưa ra những quyết định sao cho có lợi nhất cho sự phát triển, tồn tại của bản thân. Do đó, người mua thì muốn mua với giá rẻ, còn người bán thì lại muốn bán với giá đắt. Việc mua rẻ bán đắt được coi là một quy luật của thị trường. Đối với một thị trường tự do thì quan hệ giữa cung và cầu của thị tường sẽ điều chỉnh giá của thị trường tự do đến mức cân bằng một cách nhanh chóng. Nhưng đối với thị trường có kiểm soát giá cả thì thường là Nhà nước ấn định giá tối đa, nhằm làm cho người bán không được phép bán với giá cao hơn và thường được đưa ra khi thiếu hàng hóa để hạn chế không cho giá tăng lên. Thị trường điện Việt Nam chính là một ví dụ điển hình về một thị trường chưa phải là thị trường tự do mà có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Nhà nước quyết định giá bán bình quân và biểu giá bán điện cụ thể cho từng nhóm khách hàng cụ thể.
 
Giá cả đối với các hàng hóa và dịch vụ nói chung và giá điện nói riêng có rất nhiều chức năng mà chức năng trực tiếp là tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trang trải các chi phí và tạo cho họ một số lợi nhuận nhất định. Như vậy, giá cả đóng vai trò như là yếu tố khuyến khích đầu tư và sản xuất. Giá cả cũng có thể coi như một luồng thông tin giữa nhà sản xuất và người tiêu thụ, vì nó cung cấp tín hiệu về sự khan hiếm của một loại hàng hóa nhất định về nhu cầu tiêu thụ. 
Đối với bất kỳ quốc gia nào thì việc định giá điện thường được sử dụng để thực hiện các mục tiêu của Chính sách Năng lượng Quốc gia, ví dụ như hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khuyến khích nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và khuyến khích sử dụng các dạng năng lượng mới và tái tạo, bảo vệ môi trường sinh thái. 
 
Ở nước ta, từ trước tới nay vẫn sử dụng phương pháp bù đắp chi phí quá khứ để định giá điện. Tuy nhiên, ở thời kỳ kinh tế bao cấp, giá điện chưa được tính đúng với những chi phí quá khứ trong quá trình sản xuất-truyền tải và tiêu thụ điện. Ở thời kỳ này, Nhà nước quy định một giá điện thấp hơn giá thành sản xuất. Đã có thời kỳ giá điện chỉ 1,5 hào/kWh. Với giá bán điện thấp hơn giá thành sản xuất như vậy, Nhà nước đã phải lấy tiền từ Ngân sách ra để bù lỗ cho ngành Điện. Việc bù lỗ kéo dài làm sai lệch thị trường điện, dẫn đến không khuyến khích được việc tiết kiệm trong tiêu dùng, tiết kiệm các nguồn tài nguyên của quốc gia và hơn nữa, làm cho ngành điện hoạt động không theo hướng hiệu quả. Bởi, người mua thì muốn mua nhiều, nhưng người bán lại không muốn bán nhiều, do càng bán nhiều càng lỗ nhiều. Đây là điều thường gặp ở các loại hàng hóa bù lỗ thời bao cấp.
 
Từ khi nền kinh tế nước ta chuyển sang kinh tế thị trường, Nhà nước đã cho tăng dần giá điện lên để phản ánh đúng với giá thành điện và đồng thời để giảm dần gánh nặng bù lỗ và bỏ hẳn bù lỗ của Nhà nước cho ngành điện. Mức giá bán lẻ điện bình quân được áp dụng từ ngày 16-3-2015 là 1.622,01 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Có ý kiến cho rằng, Nhà nước muốn tăng giá bán điện lên cho bằng mức của các nước cho khu vực, trong khi thu nhập của dân cư còn thấp, là điều thiếu thực tế. Thực ra, đó không phải là mục tiêu của Nhà nước khi quyết định tăng giá điện. Mục tiêu cơ bản xuyên suốt chính là phải tăng giá điện lên đến mức để nó phản ánh đúng quan hệ cung cấp của thị trường và chỉ có như vậy mới có thể đồng thời đáp ứng được các mục tiêu của Chính sách Năng lượng Quốc gia. Mặt khác, cũng chỉ bằng cách như vậy mới có thể khuyến khích việc sử dụng điện nói chung và các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
 

 

Đảm bảo một thể trạng tài chính
CN Điện lực Lý Sơn lắp công tơ cho các hộ dân khi điện về đảo. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Việt Nam đang ở trong thời kỳ phát triển kinh tế có mức tăng trưởng kinh tế bình quân 7,32%/năm (từ năm 1990 đến  2009) và năm 2015 dự kiến là 6,2%. Với mức tăng trưởng như vậy của nền kinh tế, nhiệm vụ “phải đi trước một bước” của ngành điện là hết sức nặng nề. Thực tế trong những năm đổi mới cho thấy tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện hàng năm từ 15-16%, có năm lên tới 19%. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân, ngành điện phải cần một lượng vốn đầu tư rất lớn 8 tỷ USD/năm (giai đoạn từ nay đến năm 2020). Nhà nước không thể cấp số vốn này từ Ngân sách được, mà ngành điện phải “tự vay tự trả”. Ngành điện phải tiếp xúc với cá tổ chức tài chính quốc tế để vay cho đầu tư phát triển. Chưa nói đến tỷ lệ lãi vay và thời hạn trả…thì điều kiện tiên quyết là ngành điện phải bảo đảm có một thể trạng tài chính mà các tổ chức tài chính quốc tế chấp nhận  được. Theo một số tổ chức như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ngành điện phải đạt được tỷ lệ tự đầu tư (SFR) từ 25% trở lên, hệ số thanh toán nợ  (DSCR) từ 1,5 trở lên và khuyến cáo mức sinh lợi (ROCE) là 7%. Đây cũng là tiêu chuẩn áp dụng cho các nước đang phát triển. Như vậy, để tồn tại và phát triển, ngành điện không phải chỉ phấn đấu “giảm lỗ” mà còn phải có lãi để các ngân hàng chấp nhận cho vay (giá điện hiện  hành được áp dụng từ 16-3-2015 có mức sinh lợi là 1%). Việc áp dụng cơ chế tự động giá điện hiện nay nhằm tạo điều kiện cho ngành điện bù đắp được các chi phí tăng lên đối với những hạng mục nằm ngoài khả năng ngành điện có thể tự kiểm soát được.
 
Cũng có những ý kiến cho rằng, nếu cứ để cho ngành điện độc quyền mãi thì sẽ không thể khuyến khích hiệu quả. Điều này hiện nay không còn đúng nữa. Ngành điện đã và đang phải đương đầu với một thị trường điện trong nước hết sức cạnh tranh, mà những đối thủ tham gia thị trường đều từ các nước đang phát triển. Có lẽ đó cũng là chính sách của Nhà nước cho phép  các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào đầu tư xây dựng nhà máy điện và trong một chừng mực nào đó vào kinh doanh điện. Bên cạnh đó, thị trường điện đã được  Chính phủ triển khai ở cấp độ cạnh tranh khâu phát điện. Đây tất nhiên là một thách thức hết sức lớn đối với ngành điện, nhưng cũng là một tín hiệu tốt đối với người sử dụng điện, vì trong một tương lai không xa, người sử dụng điện sẽ được cung cấp một sản lượng điện cạnh tranh hơn và một dịch vụ cung cấp điện tốt hơn.
 
Mua nhiều, trả cao?
 
Trước hết phải thấy rằng câu hỏi này luôn đúng với bất kỳ sản phẩm nào, nếu xét vào thời điểm khan hiếm của thị trường, tức là vào thời điểm mà cung không đủ để thỏa mãn nhu cầu. Điều này đúng với tình trạng của thị trường điện hiện nay ở nước ta. Vấn đề liên quan đến thắc mắc hiện nay là biểu giá điện sinh hoạt hiện hành, trong đó quy định: 1.484 đồng cho 50kWh đầu tiên; 1.533 đồng cho kWh thứ 51-100; 1.786 đồng cho kWh thứ 101-200; 2.242 đồng cho kWh 201-300; 2.503 đồng cho kWh thứ 301-400 và 2.587 đồng cho kWh thứ 400 trở đi.
 
Theo biểu giá điện này, đối với điện bán lẻ cho sinh hoạt thì khách hàng càng mua nhiều điện thì càng phải trả giá cao hơn, khác với các loại sản phẩm hàng hóa khác là càng mua nhiều càng được khuyến khích, giảm giá, có thưởng…Nói cách khác, hiện nay khách hàng sử dụng điện sinh hoạt chưa được khuyến khích tiêu thụ nhiều điện năng.
 
Kinh nghiệm từ ngành điện các nước đang phát triển cho thấy, ở thời kỳ đầu, khi thu nhập quốc dân còn thấp, tỷ lệ người nghèo trong xã hội còn cao, nếu đưa giá điện phản ánh đúng quan hệ cung-cầu của thị trường thì các nhóm khách hàng nghèo không thể chịu được. Bởi vậy, các nước đang phát triển phải áp dụng biện pháp bù giá giữa các nhóm khách hàng khi xây dựng cơ cấu biểu giá điện. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Trong khi mà thu nhập của dân cư nói chung còn thấp thì việc xây dựng một giá điện sao cho tất cả khách hàng đều có thể “chịu đựng được” là vấn đề chưa thể thực hiện được. Chính vì vậy, ngoài việc kiểm soát giá điện, Nhà nước còn có chính sách xây dựng một biểu giá điện theo hướng bù giá giữa các nhóm khách hàng. Mặc dù điều này về lâu dài là không có lợi, do nó sẽ làm sai lệch tín hiệu thị trường, nhưng là biện pháp hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nếu nghiên cứu biểu giá điện hiện hành, có thể thấy giá buôn điện sinh hoạt cho nông thôn bậc thang thấp nhất là 1.230 đồng/kWh và bậc thang cao nhất là 2.028 đồng/KWh. Giá bán này thấp hơn giá thành sản xuất nhưng đã được bù giá từ các nhóm khách hàng khác có thu nhập bình quân cao hơn vùng nông thôn, đồng thời, lại có cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng về điện nói riêng tốt hơn khu vực nông thôn.  Ngay cả khu vực thành thị, việc chia ra các giá điện cũng là nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tối thiểu cho những người có thu nhập thấp ở khu vực thành thị. Một phần chênh lệch giá cũng được bù từ những khách hàng có thu nhập cao hơn trong cùng nhóm, phần còn lại vẫn phải được bù từ những nhóm khách hàng khác. Điều này thể hiện sự ưu việt trong chính sách của Nhà nước, chứng tỏ sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường theo định hướng XHCN.
Thanh Mai/Icon.com.vn
 

Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH Thủy Điện Tây Nguyên
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà Sê San 3A, 96 Phạm Văn Đồng, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: 0269.2222466 - Fax: 0269.2222388 - Email: taynguyen@bitexco.com.vn
© 2015 Công ty TNHH Thủy Điện Tây Nguyên
Tư vấn & xây dựng website: Trung tâm CNTT - VNPT Thừa Thiên Huế