Phó TGĐ-Tổng Công ty Năng lượng Bitexco- thăm và kiểm tra các nhà máy cụm Tây Nguyên
Ngày 02/8/2017, ông Vũ Chí Mỹ - P. Tổng Giám đốc-Tổng Công ty Năng lượng Bitexco, kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH thuỷ điện Tây Nguyên cùng các cố vấn kỹ thuật, Ban Giám đốc Công ty Tây Nguyên, đơn vị tư vấn PECC1 và Nhà thầu thi công Sodic đã đến thăm, kiểm tra công tác xử lý chống thấm khu vực đập dâng, đập tràn và cải tạo cụm thủy điện Đăk Srông.
Tại Nhà máy, P. Tổng Giám đốc cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra hiện trường bề mặt đập tràn, mặt tràn phía hạ lưu đoạn đã khoan phụt, đoạn chưa phụt của đập Đăk Srông 2. Đồng thời cùng ngày Đoàn cũng đi kiểm tra hiện trạng hạ lưu kênh xả nhà máy thủy điện Đăk Srông 3B.
Sau khi kiểm tra thực tế công trình, P. Tổng Giám đốc cùng đoàn công tác đã tiến hành họp tại Khu nhà điều hành của nhà máy nhằm kiểm tra lại giải pháp xử lý của Tư vấn PECC1, thực trạng thi công khoan phụt đập tràn NMTĐ Đăk Srông 2 của nhà thầu. Từ đó xác định những tồn tại và thống nhất giải pháp thi công. Đưa ra những quyết định quan trọng nhằm tháo gỡ những khó khăn tồn tại, tạo điều kiện cho Ban quản lý chỉ đạo thực hiện những khối lượng phần việc còn lại.
Ông Lê Văn Túc - Tổ quản lý kỹ thuật chất lượng đã báo cáo cụ thể về khối lượng và tiến độ thi công cho đến ngày 01/8/2017; Tư vấn PECC1 phân tích và đưa ra giải pháp xử lý; Nhà thầu thi công báo cáo về thực trạng thi công khoan phụt đập tràn NMTĐ Đăk Srông 2, nêu lên những thuận lợi và khó khăn mà Nhà thầu gặp phải trong quá trình thi công thực tế.
Qua thực tế kiểm tra hiện trạng thi công, báo cáo hiện trường, các kiến nghị giải pháp của các đơn vị. P. Tổng Giám đốc đã chỉ đạo cụ thể bằng văn bản đối với những công việc còn lại, tiến hành sao cho đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, xử lý tối ưu những tồn tại và đưa công suất Nhà máy thủy điện Đăk Srông 3B tiệm cận công suất thiết kế.
Kết thúc chuyến công tác, P. Tổng Giám đốc kết luận: Tôi đánh giá cao công tác tổ chức quản lý điều hành của Ban lãnh đạo Công ty TNHH thủy điện Tây Nguyên, đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Năng lượng Bitexco, các đơn vị liên quan từ khâu khảo sát thiết kế, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, công tác tổ chức giám sát triển khai thi công. Mong rằng Công ty Tây Nguyên tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa để luôn đạt được nhiệm vụ mà Tập đoàn giao.
Một số hình ảnh chuyến thăm và làm việc của P. Tổng Giám đốc tại các nhà máy cụm Tây Nguyên

P. Tổng Giám đốc cùng đoàn công tác kiểm tra đập dâng

P. Tổng Giám đốc cùng đoàn công tác kiểm tra mặt tràn phía hạ lưu



Một số hình ảnh P. Tổng Giám đốc cùng đoàn công tác kiểm tra mặt tràn phía hạ lưu

P. Tổng Giám đốc cùng đoàn công tác kiểm tra hạ lưu kênh xả nhà máy thủy điện Đăk Srông 3B

Họp về giải pháp xử lý các công việc còn lại
Dưới đây là toàn văn Thông báo kết luận cuộc họp đã được P. Tổng Giám đốc thông qua
THÔNG BÁO KẾT LUẬN CUỘC HỌP
Về công tác xử lý và cải tạo cụm thủy điện Đăk Srông
A. THỜI GIAN & ĐỊA ĐIỂM:
- Thời gian: Từ 8h00 – 16h00 ngày 02/08/2017.
- Địa điểm: Tại phòng họp Nhà máy TĐ Đăk Srông 2&2A, xã Yang Nam, huyện Kông Chro và Nhà máy thủy điện Đăk Srông 3B, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa tỉnh Gia Lai.
B. THÀNH PHẦN THAM DỰ:
1. Đại diện Chủ đầu tư:
- Ông Vũ Chí Mỹ : P.Tổng Giám đốc Công ty C.P Năng lượng Bitexco, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TĐ Tây Nguyên: Chủ tọa cuộc họp;
- Ông Phan Râng : Giám đốc Công ty TNHH thủy điện Tây Nguyên;
- Ông Bùi Anh Diễn : Giám đốc Nhà máy thủy điện Đăk Srông 2&2A;
- Ông Lê Văn Túc : Tổ trưởng Quản lý kỹ thuật chất lượng;
- Ông Nguyễn Gia Quang; Ông Nguyễn Ngọc Thanh: Cố vấn kỹ thuật.
2. Đại diện Tư vấn thiết kế: Công ty TNHH MTV Khảo sát điện 2
- Ông Đỗ Ngọc Quý : Chủ trì thiết kế xử lý (PECC1).
3. Đại diện Nhà thầu thi công: Công ty CP Đầu tư và Thương mại Sông Đà
- Ông Phan Đình Toại : Tổng Giám đốc;
- Ông Phạm Đình Phôn : Chỉ huy trưởng thi công.
C. NỘI DUNG CUỘC HỌP:
- Kiểm tra thực trạng thi công khoan phụt đập tràn của NMTĐ Đăk Srông 2;
- Giải quyết những vấn đề liên quan đến giải pháp xử lý chống thấm của tư vấn thiết kế, những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi công và quyết định thực hiện đối với khối lượng công việc còn lại ở công trường .
D. ĐẠI DIỆN CÁC ĐƠN VỊ BÁO CÁO VÀ GIẢI TRÌNH:
1. Báo cáo của Ông Lê Văn Túc - Tổ Quản lý kỹ thuật chất lượng:
Báo cáo khối lượng đơn vị thi công thực hiện đến ngày 01/8/2017:
- Về công tác khoan tạo lỗ phụt qua thân đập và đáy nền đã hoàn thành 99/99 hố khoan Φ105mm so với khối lượng thiết kế, tương ứng với chiều dài 3.539,5m/3.751,5m.
- Về công tác phụt: đã phụt 91 hố/99 hố tương ứng với chiều dài 3.374,3m/4.052,5m (bao gồm 6 lỗ khoan khảo sát).
- Về mức tiêu hao xi măng trung bình cho 1m khoan phụt tính đến ngày 01/8/2017 là 375,33kg/100 kg tăng 275,33kg so với mức thiết kế đưa ra. Tương ứng khối lượng 1.251,95 tấn/356,95 tấn tăng 895 tấn so thiết kế đưa ra. Đây là khối lượng tiêu hao thực tế sau khi CĐT đã phối hợp với Tư vấn thiết kế nghiêu cứu điều chỉnh cấp phối vữa khoan phụt khi có phát sinh tăng lượng xi măng, cát cho 1 md.
Các nguyên nhân dẫn đến tăng lượng xi măng trong quá trình thi công:
Theo Báo cáo kết quả khảo sát có kết luận đơn vị Tư vấn như sau:
- Theo kết quả khoan lấy mẫu bê tông thân đập, thực tế hiện trạng lõi đập là đá hộc được chèn vữa bê tông đá 1x2 M150, phân tích nõn khoan có nhiều vị trí bê tông không chèn kín khe hở của đá hộc tạo thành các lỗ rỗng;
- Kết quả thí nghiệm dung trọng, độ rỗng của bê tông thân đập tràn cho thấy hệ số rỗng khá cao từ 9-12%;
- Kết quả thí nghiệm ép nước chỉ số Luzon khu vực đập dâng từ (11.59-:-13.61) Lu (khu vực đã khoan phụt gia cố, khu vực đập tràn chủ yếu từ (75-:- 130) Lu (đang khoan phụt) cho thấy độ thấm nước trong thân đập rất cao.
- Trong quá trình khoan và ép nước đơn vị thi công phát hiện có nước chảy bên phía tường hạ lưu của đập dâng, đập tràn;
- Ngoài ra trong quá trình khoan, nhiều lần xảy ra hiện tượng tụt cần khoan từ 60 – 100cm, kẹt cần khoan khi sập vách lỗ khoan như lỗ KP-D2.24; KP-D1.14; KP-D3.30; KP-D3.48…
- Kết cấu thân đập không đồng nhất, có nhiều lỗ rỗng lớn, dẫn đến khối lượng xi măng phụt thực tế, tăng lên do khối lượng xi măng phụt lớn hơn khối lượng Tư vấn thiết kế tạm tính đưa ra 100kg/m dài khoan.
2. Báo cáo của Ông Đỗ Ngọc Quý- Chủ trì thiết kế xử lý:
- Việc bố trí hố khoan phụt một hàng cách nhau 3m như trong hồ sơ thiết kế cơ bản để tạo màng chống thấm nếu kết cấu lõi đập đồng nhất, nhưng theo thực tế lõi đập không đồng nhất có rất nhiều lỗ rỗng với cách thi công độn đá hộc được mô tả lại, thế hiện rõ trong báo cáo khoan khảo sát của Tư vấn, công tác phụt tạo được màng chống thấm trở thành khoan phụt lấp đầy những lỗ rỗng trong thân đập, nên khối lượng tiêu hao vữa xi măng phụt tăng hơn so với định mức xi măng 100kg/md Tư vấn đã tạm tính đưa trong hồ sơ thiết kế.
- Kết quả ép nước thí nghiệm trong quá trình khoan phụt không tương ứng với kết quả ép nước trong báo cáo khảo sát (thường là nhỏ hơn), do đó việc lựa chọn nồng độ vữa ban đầu chưa phù hợp.
- Trong quá trình thi công theo thực tế diễn biến phụt vữa tại hiện trường. Tư vấn đã phối hợp chặt chẽ Tổ QLKT CL của Chủ đầu tư kịp thời thống nhất thay đổi cấp phối vữa với nồng độ phù hợp.
- Qua kiểm tra mặt tràn các vị trí rò rỉ nước trên mặt tràn hạ lưu đoạn đã phụt không còn rỉ nước, các vị trí thấm đã giảm rõ rệt, đánh giá sơ bộ qua xem xét bằng mắt việc phụt chấm thấm có kết quả tương đối tốt. Tuy nhiên để hạn chế lượng nước xâm nhập vào thân đập, tư vấn đề xuất bổ sung 7 hố khoan phụt tại 7 khe co giản với vữa xi măng có phụ gia đông kết nhanh.
- Đối với 8 lỗ chưa phụt còn lại đề nghị Chủ đầu tư duyệt cho chuyển cấp phối vữa cát xi măng phụt sang phụt bằng xi măng để tăng hiệu quả chống thấm đoạn lòng sông.
3. Báo cáo của Ông Phan Đình Toại – Giám đốc nhà thầu thi công:
- Chủ đầu tư phối hợp và hỗ trợ cho nhà thầu tốt, kịp thời từ về lán trại phụ trợ, cấp điện sinh hoạt và cấp điện thi công kịp thời, xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình thi công.
- Do việc thay đổi tỉ lệ vữa phụt so với hồ sơ thiết kế dẫn đến phải tăng cường thêm máy móc thiết bị vật tư, vật liệu đáp ứng tiến độ thi công.
- Nhà thầu đã lập hồ sơ nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành trình Chủ đầu tư, đề nghị Chủ đầu tư sớm xem xét thanh toán cho nhà thầu.
KẾT LUẬN CUỘC HỌP
Căn cứ vào thực tế kiểm tra hiện trường, xem xét các báo cáo của Chủ đầu tư, ý kiến của nhà thầu thi công; ý kiến của đơn vị Tư vấn và các thành viên tham dự cuộc họp. Ông Vũ Chí Mỹ - Phó Tổng Giám Đốc Bitexco Power kết luận và chỉ đạo như sau:
I- Đối với việc xử lý chống thấm Nhà máy thủy điện Đăk Srông 2:
1. Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và công tác tổ chức quản lý dự án của Ban lãnh đạo Công ty TNHH thủy điện Tây Nguyên trong việc phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Năng Lượng Bitexco, các đơn vị liên quan từ lúc khảo sát thiết kế, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, công tác tổ chức giám sát triển khai thi công.
2. Đồng ý với giải pháp xử lý của tư vấn và tiêu hao xi măng cho 1md khoan phụt tăng cao hơn so với thiết kế (trung bình 357.33kg/100 kg XM chênh tăng 275kgXM/md), sau khi chủ tọa đã xem xét báo cáo của chủ đầu tư, ý kiến của các thành viên tham dự, ý kiến của tư vấn và giải trình của nhà thầu,....về việc phân tích các nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiêu hao xi măng, cát. Cụ thể các yếu tố chính dẫn đến việc tăng khối lượng XM, cát là: kết quả khảo sát kiểm tra độ rỗng của đập là khá lớn; Thực tế ảnh hưởng của vữa phun lan rộng hơn so với dự tính của thiết kế và có yếu tố lấp đầy trong thân đập....mặc dù lượng xi măng, cát đã được tư vấn điều chỉnh. Định mức tiêu hao xi măng cát của tư vấn đưa ra ban đầu (100kg xm/1md) dựa trên vận dụng tiêu hao thực tế bình quân của các công trình thiết kế mới. Đây là công việc đầu tiên xử lý thấm toàn tuyến đập do chất lượng thi công trước đây.
3. Đồng ý bổ sung thêm các hố khoan phụt sau đây :
- Sau khi kiểm tra thực tế và đánh giá từ kinh nghiệm của Bá thước 2, thống nhất với đề xuất của Tư vấn thiết kế: Bổ sung 07 hố khoan ở khe co dãn Đập tràn để ngăn nước thấm từ thượng lưu vào trong thân đập. Tư vấn có trách nhiệm thiết kế chi tiết kèm theo quy trình để sớm triển khai.
- Về khoan phụt ở vai trái Đập dâng: đồng ý cho triển khai theo thiết kế đã phát hành.
- Để tăng khả năng tiêu nước trong thân đập, thống nhất cho khoan thêm 6 hố khoan (mỗi Block một hố khoan) từ đỉnh đập đến tầng có hố khoan thoát nước ngang để liên thông thoát nước theo chiều thẳng đứng và kết nối tiêu nước với lỗ khoan ngang.
4. Vùng đập còn lại của 8 lỗ khoan chưa phụt vữa: Cần xác định nguyên nhân có độ chối khi phụt vữa, trước mắt đồng ý Chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu thử nghiệm từ 01 đến 02 hố đầu tiên - phụt bằng vữa xi măng. Giao anh Túc trực tiếp phối hợp với đơn vị tư vấn theo dõi diễn biến và báo cáo trực tiếp lãnh đạo Bitexco Power (hoặc chuyên gia Quang) để có giải pháp xử lý các hố khoan phụt còn lại.
5. Thống nhất với đề xuất của tư vấn xử lý bề mặt đập tràn như sau: Những vùng bong tróc cục bộ, lộ thép kết cấu,....những vùng bê tông mặt đập yếu (thông qua búa gõ kiểm tra) phải đục tẩy, giải quyết nước phun và được làm sạch trước khi lấp đầy và làm phẳng mặt bằng vữa XM mác cao.
6. Về chất lượng thi công khoan phụt: Sau khi xem xét hiện trường, thấy rằng bề mặt vùng đập đã được khoan phụt đã có những hiệu quả rõ rệt, giảm hẳn các dòng phun và thấm có dòng chảy ra bên ngài mặt đập, một số vùng vẫn còn rò rỉ nhẹ ở khe thi công....Kết quả này được đánh giá là có tiến triển rất tốt. Tuy nhiên để có kết luận cuối cùng về chất lượng của công tác khoan phụt, các giải pháp xử lý và thực hiện triển khai phải sớm được hoàn tất kết hợp với các hố khoan kiểm tra. Khi đó gói thầu số 2 có thể sẽ không cần phải thực hiện.
Căn cứ vào kết luận trên đây, yêu cầu Chủ đầu tư và Tư vấn thiết kế có trách nhiệm phối hợp để hoàn chỉnh lại hồ sơ và thiết kế những công việc bổ sung kèm theo dự toán để đảm bảo mục tiêu hoàn thành trước ngày 15/8/2017.
II- Về việc kiểm tra kênh xả hạ lưu Nhà máy thủy điện Đăk Srông 3B:
Sau khi kiểm tra nghiên cứu thực địa tại Nhà máy thủy điện Đăk Srông 3B, Phó Tổng Giám đốc chỉ đạo: Trước mắt cần thực hiện ngay công tác thiết kế và triển khai thi công một số công việc để tăng công suất phát điện của Nhà máy, cụ thể như sau:
1. Đối với tổn thất ở cửa nhận nước: Cần xem xét và xử lý ngay rác vướng ở khe lưới chắn rác và kiểm tra bồi lấp ở đáy.
2. Cần phải thiết kế và triển khai ngay công tác đào khoan nổ đoạn tiếp theo của kênh xả có chiều dài khoảng 400m (làm mới) do cao độ thực tế của đoạn này cao hơn so với đáy kênh từ 2-3m. Đây là nguyên nhân chính nhà máy Đăk Srông 3B chỉ đạt tối đa 15.6 MW/ thiết kế là 19.5 MW.
3. Đồng ý cho thiết kế và triển khai xây dựng một con đập bê tông (mác thấp) ở cuối kênh hiện tại, ngăn đá tràn vào kênh xả trong mùa lũ.
Trên đây là kết luận và ý kiến chỉ đạo của Chủ tọa về công tác xử lý và cải tạo cụm thủy điện Đăk Srông.
Kết luận này là cơ sở quyết định một số vấn đề liên quan đến gói thầu chống thấm thủy điện Đăk Srông 2 và thủy điện Đăk Srông 3B. Giao cho Giám đốc Công ty TNHH thủy điện Tây Nguyên chỉ đạo Đơn vị tư vấn, Nhà thầu thực hiện nhằm đảm bảo công trình đạt chất lượng và hoàn thành tiến độ đã đề ra./.
Nơi nhận: CHỦ TỌA CUỘC HỌP
- Chủ tịch Tập đoàn Bitexco; (Đã ký)
- Công ty TNHH thủy điện Tây Nguyên;
- Thư ký HĐTV;
- Công ty CP thủy điện Hoàng Anh Tô Na; Vũ Chí Mỹ
- Công ty CP Đầu tư & Thương mại Sông Đà;
- Công ty TNHH MTV KS Điện 2;
- Tổ Quản lý KTCL;
- Lưu: HC-TH.